Giỏ hàng
Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Không có cửa sổ là tình trạng phổ biến của nhiều nhà tắm - nhà vệ sinh tại đô thị, và thậm chí là ngoại ô. Việc thiếu ánh sáng tự nhiên khiến một số người sử dụng cảm thấy tù túng và ngột ngạt. Sau đây là 5 gợi ý để cải thiện từ các chuyên gia thiết kế, giúp mang đến cảm giác thư giãn hơn cho không gian này.
Mang thiên nhiên vào
Trong một căn phòng không có cửa sổ, điều đặc biệt quan trọng là phải bố trí những chi tiết mang cảm hứng từ thiên nhiên. Ví dụ như dùng gương có khung gỗ hay thảm nhà tắm bằng gỗ Hinoki tỏa ra mùi hương nhẹ tự nhiên. Đây có thể xem là một cách tinh tế để tạo kết nối giữa sàn gạch và thế giới thực vật.
Hoặc đơn giản hơn là trang trí nhà tắm bằng một nhánh bạch đàn hoặc các loại gỗ, thực vật mùi hương tự nhiên khác để tạo cảm giác trong lành, tràn đầy sinh lực.
Sử dụng kính
Với không gian phòng kín và hẹp, nên tránh dùng rèm hoặc các vách ngăn cứng. Thay vào đó, hãy dùng kính bởi khả năng đánh lừa thị giác và có thể mở rộng cảm giác về không gian, thích hợp cho nhà tắm, nhà vệ sinh thiếu sáng.
Nhà tắm trước (bên trái) và sau cải tạo với tủ kính hình vòm của Amanda. Ảnh: Amanda Pierce
Ngoài ra, có thể dùng kính để làm cửa sổ giả. Trong dự án cải tạo phòng tắm gần đây, nhà thiết kế Amanda "Birdy" Pierce của Birdsong Design ở Augusta, Georgia (Mỹ) đã sử dụng một chiếc tủ treo tường hình vòm có cửa kính để phản chiếu ánh sáng. "Nó giúp thay thế những gì đã mất do không có cửa sổ", bà nói.
Đa dạng tông màu sáng
Nhiều chủ nhà cho rằng cách khắc phục không gian tối là sử dụng màu trắng sáng ở khắp mọi nơi. Nhưng một số nhà thiết kế cảnh báo rằng màu trắng hoàn toàn có thể khiến người ta liên tưởng đến bệnh viện. Vì vậy, bí quyết để tạo hiệu ứng không gian sáng, thoáng hợp lý là phối hợp nhiều tông màu trắng khác nhau, từ trắng sữa đến trắng băng.
Phòng vệ sinh được cải tạo bởi Lisa Mettis. Ảnh: Anna Stathaki
Một cách khác, theo gợi ý của nhà thiết kế Lisa Mettis của công ty Born and Bred Studio ở London (Anh) là giải pháp phản trực giác. Trong một nhà vệ sinh nhỏ dưới gầm cầu thang do Mettis thiết kế, bà dán chân tường bằng gạch ốp màu xanh lá cây và phần trên đến trần phủ bằng giấy dán họa tiết hoa lá. "Tất cả những gì bạn thấy là hoa. Bạn quên thực tế là không có ánh sáng tự nhiên", bà nói.
Tăng khả năng thông gió
Một cách khác để tránh cảm giác ngột ngạt của không gian kín là tăng cường hệ thống thông gió. Khi nâng cấp một phòng vệ sinh rộng 3,5 m2 ở Palo Alto, California (Mỹ), nhà thiết kế Emily Flaxman của Flax Interiors đã lắp đặt một chiếc quạt hút công suất gấp đôi chiếc cũ để đảm bảo tất cả không khí ẩm có thể thoát ra ngoài.
Đối với cách bố trí phòng tắm riêng trong phòng ngủ chính, nhà thiết kế Gretchen Murdock của Modtage Design ở San Francisco (Mỹ) đôi khi hỗ trợ luồng không khí cho nó bằng những ô cửa lớn trổ ra không gian trong phòng ngủ. "Để chúng hé mở cho phép bạn lấy ánh sáng và không khí từ không gian bên cạnh", bà nói.
Chú ý cách chọn đèn
Khi không có ánh sáng mặt trời thì phải khéo léo trong việc chọn ánh sáng nhân tạo phù hợp. Theo Giám đốc nội thất Josh Manes tại Josh Manes Architecture (New York, Mỹ) thì bóng đèn dây tóc Edison là giải pháp rất tệ cho nhà tắm. "Nó có thể chói mắt và những bóng đèn lộ ra ngoài tạo ra những bóng tối khủng khiếp", ông nhận xét.
Cặp đèn đá thạch cao tuyết hoa hai bên gương trong nhà tắm thiết kế bởi Josh Manes. Ảnh: Kirsten Francis
Để loại bỏ khuyết điểm này trong một dự án cải tạo phòng tắm gần đây, ông đã thay 2 chiếc bóng đèn Edison bằng một cặp đèn đá thạch cao tuyết hoa (Alabaster). Chúng khuếch tán ánh sáng qua lớp đá có đường vân tự nhiên, tại cảm giác ánh sáng mềm mại, mơ mộng và bớt buồn tẻ.
Nguồn: ST.